So sánh sự khác biệt giữa Baking Powder và Baking Soda
Mình thỉnh thoảng vẫn nhận được nhiều câu hỏi của các bạn về sự khác biệt và cách dùng của bột nổi hay còn gọi là bột nở (baking powder), và muối nở (baking soda).
Baking soda (muối nở) và baking powder (bột nở, bột nổi) đều là những chất được sử dụng để giúp các món nướng, hấp nổi phồng lên.
Về hình thức thì hai loại bột này khá giống nhau, dễ nhầm lẫn, tuy nhiên chúng khác nhau về mặt hóa học.
Hôm nay mình giới thiệu bài viết này, giải thích ngắn gọn nhất, hy vọng sẽ giúp cho các bạn một số thông tin hữu ích để giúp việc nấu nướng của các bạn đơn giản hơn.
Bột nổi/nở là gì? (Baking powder)
Bột nở là một chất men hoàn chỉnh, bao gồm muối nở, cream of tartar (một loại acid khô) và có cả bột bắp nữa. Đa số bột nở ở các chợ bây giờ đều là loại double acting có nghĩa là hiện tượng bột nở sẽ xảy ra 2 lần, lần 1 là khi phần bột được làm ẩm bằng cách bạn trộn phần bột khô vào phần nguyên liệu ướt ở nhiệt độ phòng, và lần nở thứ 2 sẽ xảy ra khi hỗn hợp bột được đem để vào lò nướng nóng.
Đa số các công thức nấu ăn có thành phần bột nở đều là sử dụng bột double acting baking powder. Vì vậy các bạn cần lưu ý khi sử dụng bột nở, một khi đã trộn các nguyên liệu khô và ướt vào chung với nhau thì phần bột nở đã được kích hoạt, và bạn cần phải tiếp tục thực hiện cho đến khi đưa sản phẩm vào lò nướng, bạn không thể chuẩn bị trước và cất giữ rồi sau này làm tiếp thì sẽ thành phẩm sẽ hỏng, không nở tốt như ý muốn.
Thông thường người ta sẽ dùng một muỗng cà phê bột nở cho mỗi 150 gr (1 cup) bột trong tất cả các công thức.
Muối nở là gì? (Baking soda )
Muối nở là một chất men được sử dụng trong các sản phẩm nướng như bánh cake, muffins, và cookies.
Muối nở còn được gọi là sodium bicarbonate, hoặc là bicarbonate of soda. Muối nở sẽ được kích hoạt khi nó kết hợp với các nguyên liệu chứa acid và chất lỏng. Sau khi kích hoạt, chất carbon dioxide sẽ được tạo ra và làm cho hỗn hợp bột nở ra , và trở nên nhẹ và mịn. Nếu bạn để ý thì trong các công thức có chứa muối nở đều có các thành phần có acid như là butter milk, lemon juice, nước trái cây, đường vàng...
Muối nở rất mạnh, nó mạnh hơn bột nở khoảng 3-4 lần. Do vậy khi sử dụng muối nở bạn cần sử dụng vừa đủ đừng để nhiều quá. Khi sử dụng nhiều muối nở mà không đủ acid trong thành phần nguyên liệu sẽ dẫn đến việc sản phẩm của bạn sẽ có mùi thoang thoảng kim loại hoặc xà phòng do lượng muối nở còn dư trong phần nguyên liệu.
Thông thường người ta sẽ dùng 1/4 muỗng cà phê muối nở cho mỗi 150 gr (1 cup) bột trong tất cả các công thức.
Một số công thức nấu ăn dùng cả hai loại bột nở và muối nở là do các công thức đó chứa một số loại acid (nước trái cây, đường vàng, yogurt ...), tuy nhiên muối nở không đủ để tạo sự nở bung cho bột bánh, và cần sự trợ giúp của bột nở. Về cơ bản, lý do sử dụng cả hai loại bột là để hỗ trợ lẫn nhau và tìm đến sự cân bằng chính xác cho độ nở của bánh.
Một lý do khác để sử dụng cả bột nở và muối nở là để đạt được màu sắc và hương vị theo ý muốn. Ví dụ như muối nở có thể làm trung hòa và mất đi mùi vị của phần nước trái cây, tuy nhiên nếu bạn dùng thêm bột nở thì nó sẽ giữ lại một ít mùi trái cây giúp bánh được thơm hơn, mà vẫn giữ được độ nở tốt.
Cách kiểm tra bột nở còn tốt hay không:
_ Cho 3 muỗng canh nước ấm vào một cái chén nhỏ. Cho 1/2 muỗng cà phê bột nở vào, khuấy nhẹ. Nếu hỗn hợp có phản ứng sủi bọt, bốc hơi nhẹ là bột nở còn tốt. Nếu không có phản ứng, thì bạn hãy bỏ bột nở đó đi, và mua một gói khác nhé.
Cách kiểm tra muối nở còn tốt hay không:
_ Cho 3 muỗng canh giấm trắng (white distilled vinegar) vào một cái chén nhỏ. Cho 1/2 muỗng cà phê muối nở vào, khuấy nhẹ. Nếu bạn thấy hỗn hợp sẽ sủi bọt ngay là muối nở còn tốt. Nếu không có phản ứng, hãy bỏ muối nở đó đi, và mua một gói muối nở khác nhé.
Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho các bạn.
Bình luận của bạn